Thực tế đáng buồn này đã buộc Chính phủ Nhật Bản quyết định phải cải tổ lại một cách căn bản cách thức dạy, học tiếng Anh. Trước mắt, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc điều chỉnh độ tuổi phải theo học chương trình tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 cấp tiểu học, thay vì lớp 4 như hiện nay. Việc chuyển đổi dự tính sẽ tiến hành vào năm 2020.
Các chuyên gia giáo dục Nhật Bản cũng kiến nghị tăng giờ học tiếng Anh ở các cấp học, tăng lên 2 lần một tuần đối với học sinh lớp 3 và 3 lần một tuần đối với học sinh lớp 5, lớp 6.
Trước những ý kiến lo ngại của một số người Nhật Bản cho rằng, việc cho các em học tiếng Anh sớm hơn có thể khiến các em không còn nhiều thời gian, công sức vào việc học tiếng mẹ đẻ, Giáo sư ngôn ngữ Yukio Otsu cho rằng: “Học sinh tiểu học nên nhận được sự giáo dục đúng đắn về tiếng mẹ đẻ nhưng cũng cần khuyến khích các em học và có vốn hiểu biết tốt về tiếng Anh”.
Sự thay đổi trong cách thức học tiếng Anh cũng phải dẫn tới thay đổi trong phương pháp dạy cũng như nâng cao năng lực giáo viên tiếng Anh. Theo tờ The Japan Times, việc điều chỉnh việc học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 4 xuống lớp 3 đồng nghĩa với việc phải gia tăng đáng kể số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy tại 22.000 ngôi trường tiểu học tại Nhật Bản.
Việc cải cách dạy, học tiếng Anh nằm trong chiến lược quốc tế hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của giáo dục Nhật Bản trên trường quốc tế. Bên cạnh việc điều chỉnh cấp học bắt buộc học tiếng Anh, Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc nâng số lượng trường đủ chuẩn cung cấp chứng chỉ tú tài quốc tế International Baccalaureate (IB) tại Nhật Bản lên con số 200 trường trong 5 năm tới.
Theo Nippon.com, vào năm 2012, chỉ có 16 trường tại Nhật Bản (11 trường quốc tế và 5 trường tư thục) được cấp chứng chỉ IB. Để vượt lên được con số 200 trường, một trong những khó khăn chính là mời được giáo viên nước ngoài đạt tiêu chuẩn giảng dạy tiếng Anh tại các trường của Nhật Bản.